Friday, October 4, 2019

NASA không hề thay đổi số lượng các cung hoàng đạo trong chiêm tinh học.

NASA không hề thay đổi số lượng các cung hoàng đạo trong chiêm tinh học.

🌟 Dạo gần đây, Ad đọc báo mạng thấy nhiều trang giật title câu view như: ‘’NASA thay đổi ngày sinh của 12 cung hoàng đạo, 86% số người sẽ bị đổi chòm sao khác’’

🌟 Thực chất, giật title (hoặc một số bài copy để edit lại mà hiểu biết không đầy đủ thì nội dung hoàn toàn sai luôn) như vậy khiến nhiều bạn đọc không kỹ thì dễ dẫn đến hiểu nhầm điều này là thật.

🌟 Mặc dù NASA đã có đính chính nhưng nhiều trang tin quốc tế (và nhiều trang trong nước) như Cosmopolitan (Anh), Yahoo News và Maria Clare vẫn dẫn nguồn từ NASA để công bố cách tính cung hoàng đạo mới, và bổ sung cung thứ 13.



HOÀN TOÀN LỐ BỊCH nha các bạn.

🤔 Vậy thật hư chuyện này là như thế nào?

1️⃣ Hoàng đạo và các khái niệm cơ bản khác trong thiên văn:

⚛️ Nhiều người trong chúng ta hay nhắc đến ‘’Hoàng đạo’’ nhưng không phải ai cũng biết thực chất nó là gì. Hoàng đạo là đường đi biểu kiến của Mặt trời trong 1 năm, hay nói cách khác đường Hoàng đạo quan sát từ Trái đất là hình chiếu của mặt phẳng quỹ đạo Trái đất quanh Mặt trời lên thiên cầu. Đường Hoàng đạo là một đường DI ĐỘNG trên bầu trời (so với người quan sát đứng yên trên Trái đất) chứ không phải luôn nằm ở một chỗ.

⚛️ Các bạn lưu ý kỹ, đường Hoàng đạo là đường đi biểu kiến của Mặt trời mà nó hoàn thành chu kỳ trong 1 năm, chứ không phải là đường quỹ đạo của Mặt trời trong 1 ngày. Hai điều này khác nhau hoàn toàn. Mặt trời luôn nằm trên Hoàng đạo và tùy theo ngày trong 1 năm mà vị trí của Hoàng đạo trên thiên cầu là khác nhau so với cùng một khung giờ.

⚛️ Bây giờ bạn hãy tưởng tượng, bạn đang đứng ở Xích đạo, ngước mắt nhìn lên thiên đỉnh và dang tay theo hướng Đông – Tây. Hãy tưởng tượng một đường đi từ điểm Đông lên thiên đỉnh về Tây, đây là đường ‘’Xích đạo trời’’. Nó là hình chiếu của Xích đạo Trái đất lên thiên cầu.

⚛️ Xích đạo trời và Hoàng đạo liên quan gì với nhau? Hai đường tròn này, Ad xin nhấn mạnh, hợp với nhau một góc khoảng 23.5 độ và giao tại 2 điểm: một là Xuân phân và 2 là Thu phân. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng, Mặt trời sẽ chuyển động một cách chậm chạp trên đường Hoàng đạo ngày qua ngày và liên tục thay đổi vị trí tương đối của mình so với Xích đạo trời. Khi Mặt trời trùng với một trong 2 điểm giao, tùy vào điểm đó, tại ngày đó, ta sẽ nói đó là ngày Xuân phân hay Thu phân. Mặc khác, khi vị trí của Mặt trời chạy trên Hoàng đạo ra xa nhất so với Xích đạo trời. Tùy vào vị trí điểm ‘’xa cực đại’’ đó là nằm ở trên hay dưới xích đạo trời mà ta sẽ gọi ngày đó là Hạ chí hay Đông chí.

2️⃣ Các chòm sao:

⚛️ Chòm sao là một nhóm các ngôi sao được người ta nhìn thấy trên bầu trời về ban đêm là gần nhau theo một hình dạng nhất định nào đó. Các ngôi sao trong một chòm sao, nói chung, rất ít khi có các quan hệ về mặt vật lý thiên thể đối với nhau; chúng chỉ xuất hiện cạnh nhau trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất và thông thường chúng cách xa nhau nhiều năm ánh sáng trong không gian. Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với nhóm chuyển động Đại Hùng ( chung quy các chòm sao là do trí tưởng tượng của con người mà ra).

⚛️ Các chòm sao nằm trong ranh giới của mình. Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU) phân chia bầu trời thành 88 chòm sao chính thức với ranh giới chính xác, làm sao cho mọi hướng đều thuộc về chính xác một chòm sao. Trên bầu trời bắc bán cầu, có 47 chòm sao gắn liền với truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại, được truyền đến nay từ thời Trung cổ, và chứa các biểu tượng của Hoàng đạo.

3️⃣ Các chòm sao Hoàng đạo

⚛️ Lại lần nữa, nhiều người trong chúng ta hay nhắc đến khái niệm này nhưng cũng không nhiều người thực sự biết và hiểu các chòm sao Hoàng đạo là gì và khi nào thì trong chiêm tinh, người ta quy ước khoảng thời gian đó thuộc về một cung?

Các chòm sao Hoàng đạo là các chòm sao mà được cắt qua bởi đường Hoàng đạo. Thực chất, có đến 13 chòm chứ không phải 12. Vậy người ta phân định các khoảng thời gian trong năm ứng với các cung Hoàng đạo dựa trên điều gì? Rất đơn giản, để xác định một cách tương đối, đó là thời gian mà Mặt trời (vị trí biểu kiến) đi qua không phận của chòm sao. Ví dụ, vào khoảng tháng 8, khi bạn nhìn Mặt trời từ địa cầu, thì Mặt trời đang đi qua khu vực của chòm Leo.

⚛️ Tuy nhiên, cách xác định này chỉ là tương đối, vì kích thước của các chòm sao trên bầu trời là không giống nhau nhưng để phục vụ cho việc phân chia ngày tháng, người ta đã chia đều các cung.

⚛️ Các chòm sao có ranh giới của mình, do cách định nghĩa, mà các nhà thiên văn nhận thấy một phần của chòm Ophiuchus ( Xà Phu – nằm giữa Sagittarius và Scorpius) vẫn nằm trong Hoàng đạo. Đây được tính như ‘’chòm sao Hoàng đạo thứ 13’’.

⚛️ Tuy nhiên, Thiên văn học và Chiêm tinh học gần như chẳng hề liên quan tới nhau. Định nghĩa của chiêm tinh là của chiêm tinh, định nghĩa của thiên văn là của thiên văn. Tất nhiên, con người tồn tại thì đa phần thường bám víu lấy một hoặc nhiều niềm tin, cũng không có gì là xấu khi bạn có cuộc sống tâm linh của riêng mình, hay đôi khi các cung Hoàng đạo trong chiêm tinh đối với bạn không gì hơn là những câu chuyện đọc thêm cho vui đời. Tuy vậy, vẫn có những quan điểm khắt khe với chiêm tinh học, một số nhà thiên văn (và những người khác) có định kiến với chiêm tinh vì cho rằng nó phản khoa học, tồi tệ hơn nữa, họ gọi đó là mê tín, quan điểm họ cho rằng ngày sinh chẳng quyết định cuộc đời, tính cách của bạn và các ngôi sao trên trời cũng chẳng phải tự chúng sắp xếp để tiên đoán cho số mệnh của bạn, chỉ có những người đọc về bói toán chiêm tinh và bị ngộ nhận những điều được cho là ‘’chiêm tinh nói đúng’’, chúng ta vẫn hay bị nhầm lẫn giữa những điều mà khoa học chưa chứng minh được và những điều khoa học chỉ ra là lố bịch. Có lẽ điều này xuất phát từ thời con người tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.

⚛️ Thêm vào đó, các định nghĩa trong chiêm tinh ngày nay không sớm thì muộn cũng sẽ bị sụp đổ nếu tiên đề của nó chỉ đơn thuần dựa vào các vì sao, có rất nhiều nguyên do:

🤞 Thứ nhất, và đáng kể nhất, đó là hiện tượng ‘’Tiến động’’ (tuế sai), đây là sự lắc lư của trục Trái đất gây ra do hình dạng không hoàn hảo của Trái đất, các mômen lực không cùng phương với vận tốc góc của Trái Đất, có xu hướng kéo các chỗ lồi xích đạo vào trong mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời. Trái đất thực hiện xong một chu kỳ tuế sai trong khoảng 25800 năm. Nói một cách dễ hiểu hơn, điều này dẫn đến sự khác biệt về vị trí biểu của các thiên thể trong các thời kỳ lịch sử khác nhau.

✌️ Thứ hai, Hệ Mặt trời chuyển động trong Ngân Hà với vận tốc 220 km/s, và hoàn tất 1 chu kỳ trong khoảng 225-250 triệu năm. Chu kỳ này được gọi là năm thiên hà của hệ Mặt Trời. Nhật đỉnh (solar apex), điểm chỉ hướng di chuyển của Mặt Trời trong không gian liên sao, nằm gần chòm sao Hercules theo hướng của vị trí hiện tại của ngôi sao sáng Vega. Mặt phẳng chứa đường hoàng đạo của hệ Mặt Trời (mặt phẳng hoàng đạo) nghiêng 1 góc khoảng 60° so với mặt phẳng thiên hà. Nói cách khác, chuyển động này về lâu dài cũng kéo theo sự khác biệt đáng kể khi quan sát các chòm sao.

🤟 Thứ 3, đó là sự tiến hóa của vũ trụ và các chuyển động khác. Với các hiệu ứng này, trong vài tỷ năm tới, bầu trời sẽ gần như hoàn toàn khác bây giờ.

⚛️ Và có thể còn rất nhiều lý do khác nữa.

🎯 Kết luận: Không hề có việc phân chia lại thời gian các cung Hoàng đạo trong Chiêm tinh học. Tin đồn trên là do một số trang báo dựa vào các nghiên cứu của NASA để suy diễn. Nếu bạn là một người tin vào chiêm tinh học, hãy yên tâm.

📂 Nguồn: Science Realm.

📂 Nguồn tham khảo thêm: Wikipedia

No comments:

Post a Comment